Theo lộ trình vừa được bộ Y tế công bố, cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2015 sẽ đưa tất cả chi phí khám chữa bệnh trực tiếp cho người bệnh và một loạt phụ cấp của cán bộ, nhân viên y tế vào viện phí.
Tiếp đó, đến 1/3/2016, lương bác sỹ, y tá... cũng được đưa vào. Với cách tính này, dự kiến khoảng 1.800 dịch vụ y tế cơ bản sẽ tăng với mức tối thiểu 20% so với hiện hành.
Hiểu một cách đơn giản, nếu như trước đây, lương, phụ cấp do Nhà nước trả, thì từ thời điểm kể trên, người bệnh sẽ trực tiếp chi trả hoặc trả thông qua quỹ bảo hiểm y tế.
Như vậy, người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo sẽ “oằn lưng” vì viện phí. PV báo ĐS&PL đã ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này...
Quay cuồng trong vòng vây viện phí
Có lẽ, đối tượng “ngấm” tác động của việc tăng viện phí rõ nhất là những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính. Ngay khi thông tin về lộ trình tăng viện phí được đưa ra, đối tượng đầu tiên áp dụng là bệnh nhân BHYT, chúng tôi đã trực tiếp đến các cơ sở khám chữa bệnh và ghi nhận tâm tư, ý kiến của những bệnh nhân có “án” chung thân với bệnh viện.
Không giấu được sự lo lắng về việc tăng viện phí, chị Trần Phương Nhung (31 tuổi, quê Nam Định) – người đã “gắn” gần nửa phần đời với việc chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai cho biết: “12 năm phải sống nhờ vào các thiết bị, sự hỗ trợ của máy móc, nếu như không được chạy thận 3 lần một tuần thì có lẽ những bệnh nhân suy thận như tôi chẳng thể ngồi đây mà lo lắng về việc viện phí tăng. Suốt 12 năm qua, chúng tôi được khám, chữa bệnh nhờ BHYT. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải thanh toán một phần chi phí khám, chữa bệnh. Viện phí tăng đương nhiên số tiền những người như chúng tôi phải cùng chi trả sẽ tăng”.
Theo chị Nhung, vẫn có những loại thuốc, vật tư không nằm trong danh mục BHYT thanh toán khiến những bệnh nhân như chị thực sự không thể yên tâm. 12 năm nay, kể từ ngày phải xuống Hà Nội điều trị ở khoa Thận nhân tạo (bệnh viện Bạch Mai), bao nhiêu vốn liếng, tiền của trong gia đình đều dốc hết để duy trì sự sống cho chị.
“Mỗi tuần, tôi phải chạy thận đều đặn 3 lần. Tính sơ sơ mỗi tháng, một bệnh nhân chạy thận như tôi cũng phải chi phí hết hơn 4 triệu đồng”, chị Nhung kể và cho biết, chi phí đắt đỏ ở chốn đô thành cùng tiền viện phí cao làm bệnh nhân chạy thận khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Không riêng chị Nhung, nhiều trường hợp chạy thận được một thời gian thì hết tiền, đành phải về nhà nằm chờ chết.
Một bệnh nhân khác chia sẻ: “Đã là bệnh nhân chạy thận thì ai cũng đều xác định sẽ phải “thi hành án chung thân” tại bệnh viện, bởi quay về nhà là chết. Có người đã chạy thận 16 - 17 năm, cũng có người đến 20 năm, tài sản gia đình lần lượt... đội nón ra đi.
Để có lợi nhất cho sức khỏe, các bác sỹ khuyến cáo bệnh nhân nên sử dụng một loại đạm có giá 1 triệu đồng. Đây là loại thuốc ngoài danh mục thanh toán của BHYT nên không phải bệnh nhân chạy thận nào cũng có tiền để mua. Giờ viện phí mà tăng không biết chúng tôi sẽ sống sao đây?
Cũng tại bệnh viện Bạch Mai, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một ông lão với đôi dép tổ ong mất mõm, bộ quần áo nâu cũ, chiếc mũ lưỡi trai dù trùm kín đầu nhưng vẫn nhận ra “dấu vết” của các lần xạ trị.
Nói chuyện với chúng tôi, bác Nguyễn Thanh H. (63 tuổi, Thanh Hoá) bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị, rất tâm tư khi nghĩ đến cảnh viện phí sẽ tăng do “gánh” thêm lương của y, bác sỹ. Bác H. chia sẻ: “Tôi đã xạ trị lần thứ 6. Chi phí mỗi lần điều trị ung thư cũng tốn kém vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Dù chỉ phải chi trả 5% chi phí (khoảng 5,5 triệu đồng/lần), nhưng đây cũng là khoản tiền không nhỏ với những bệnh nhân phải điều trị lâu dài như tôi. Ngoài tiền chi trả viện phí, còn tiền chi phí tàu xe, ăn uống, tiền thuốc thêm...”.
Cùng chung nỗi lo, bệnh nhân Nguyễn Văn C. (Thái Bình) – hiện đang điều trị ung thư vòm họng tại bệnh viện K cơ sở 2 (Thanh Trì, Hà Nội) trăn trở: “Tăng viện phí thì những người mắc bệnh nghèo, những người phải phẫu thuật...
Có lẽ không dám đến bệnh viện, chỉ ở nhà chờ chết”.
Ai hưởng lợi, ai thiệt thòi? Theo tính toán của lãnh đạo vụ Kế hoạch tài chính (bộ Y tế) được công bố tại hội thảo về viện phí và các vấn đề y tế vừa tổ chức mới đây thì với việc tính thêm phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, chi phí giường bệnh sẽ tăng 10.000 - 20.000 đồng/ngày, phí phẫu thuật hoặc thủ thuật sẽ tăng 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca.
Từ 1/3/2016 khi tính lương vào viện phí, ước tính trong tổng chi phí điều trị một ca bệnh 6 triệu đồng, sẽ có 350.000 - 400.000 đồng trả lương cho cán bộ y tế. Với kịch bản trên, đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là những bệnh nhân nghèo.
Đã có quá nhiều câu chuyện đau lòng mà nguyên do bắt nguồn từ việc người bệnh không có tiền chi trả viện phí mà khi nhắc lại nhiều người vẫn không khỏi xót xa.
Đó là câu chuyện xảy ra tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương khi cháu bé Phạm Ngọc Y. (11 tháng tuổi) bị mẹ bỏ rơi chỉ vì không có tiền đóng viện phí.
Theo nhiều người nhà bệnh nhân chia sẻ, bé Y. được mẹ là Phạm Ngọc H. cho nhập viện vào ngày 27/7/2015. Lúc ấy, bé ho suốt, mệt mỏi, cặp mắt nhắm hờ không mở nổi. Sau đó, vì không lo được viện phí cho con, H. vờ đi vệ sinh và bỏ lại cháu bé với giỏ đồ.
May mắn thay, cháu bé được sống trong sự bao bọc và che chở từ tình thương của đội ngũ y bác sỹ bệnh viện.
Một câu chuyện khác, người đàn ông 47 tuổi tại huyện Thanh Bình (tỉnh Bình Phước) đã tìm đến cái chết chỉ bởi hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền chữa trị bệnh trong thời gian dài.
Người đàn ông đáng thương này mắc chứng bệnh về tim, gan, phổi nhiều năm. Hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, dù phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày nhưng không có tiền chữa bệnh. Nghĩ quẩn, bệnh nhân đã tìm đến cái chết.
Trong quá trình ghi nhận tại các bệnh viện, chúng tôi cũng được chính các y, bác sỹ chia sẻ không ít câu chuyện cười ra nước mắt. Theo các bác sỹ, với những bệnh nhân chấn thương não và đa chấn thương, chi phí điều trị sẽ rất lớn.
Ngoài những chế độ chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân còn cần những loại thuốc ngoại giá cao ngoài danh mục bảo hiểm để hỗ trợ hồi phục. Vì vậy, có trường hợp bệnh nhân nặng có khả năng hồi phục nếu được điều trị lâu dài, nhưng gia đình đành xin về vì không kham nổi những khoản chi phí tốn kém khác.
Thậm chí, có không ít trường hợp bệnh nhân trốn khỏi viện vì không có tiền đóng viện phí. Trong trường hợp đó, khoa đề xuất với bệnh viện xem xét chia 50/50, khoa một nửa, viện một nửa. Có những lúc khoa phải chịu hoàn toàn và các bác sỹ tự góp tiền “đền” cho bệnh nhân...
Để làm rõ hơn những tác động của việc viện phí phải “gánh” thêm lương y, bác sỹ, PV báo ĐS&PL đã liên lạc với lãnh đạo nhiều bệnh viện và một số sở Y tế, tuy nhiên đại diện các đơn vị này đều khá e dè và từ chối trả lời.
Cũng nhờ quen biết từ trước nên lãnh đạo một bệnh viện khu vực ngoại thành Hà Nội đã trả lời PV với điều kiện không nêu tên. Vị này nói: “Nếu tăng viện phí mà chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ không tăng là đi ngược với mục tiêu của ngành.
Viện phí tăng thì phải làm sao cho tất cả các vấn đề liên quan đến dịch vụ tăng, còn nếu không phục vụ tốt, tự họ sẽ bị người dân quay lưng”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc viện phí sẽ phải “gánh” thêm lương của y, bác sỹ liệu chất lượng dịch vụ y tế và chất lượng phục vụ có tăng, lãnh đạo một số bệnh viện đã từ chối trả lời. Phải chăng giá viện phí và chất lượng khám chữa bệnh là hai phạm trù không song hành?
Đăng nhận xét